THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

Liệu Trung Quốc có thể đảo lộn nguyên trạng thế giới?

Posted by Admin trên Tháng Tám 23, 2010

Bruce Stokes

Liệu Trung Quốc có phải là thị trường đang nổi lên lành tính với ước vọng có giới hạn trong khu vực mà họ rất sốt sắng tô vẽ? Hay đó là một thế lực hùng mạnh, có tầm chiến lược muốn khẳng định về mặt kinh tế mà chắc chắn sẽ thách thức ngày càng nhiều nước châu Âu, châu Mỹ và các nước láng giềng châu Á?

Tác giả Bruce Stokes, người chuyên viết cho mục kinh tế quốc tế của tạp chí National Journal và là thành viên “xuyên Đại Tây Dương” thuộc quỹ German Marshall của Mỹ có bài viết mới được đăng trên tờ tiếng Anh “Dân tộc” ở Bangkok như sau:

Mối quan ngại gần đây nhất của người châu Âu và Mỹ đối với Trung Quốc thể hiện ở việc những nước này tự hoài nghi về việc liệu có tiếp tục duy trì được mức sống cao như hiện nay trước sự cạnh tranh của Trung Quốc hay không. Mối lo lắng kể trên cũng đang thúc đẩy động thái cần huy động sự ủng hộ của công chúng đối với (kế hoạch) chi tiêu quốc phòng và việc tiếp tục duy trì ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới. Tuy vậy, các mối lo ngại trên đang bỏ qua nhu cầu gia tăng về phát triển của Trung Quốc, nơi có hàng triệu người vẫn đang sốn trong tình cảnh nghèo khổ.

Các bằng chứng trong những tháng gần đây cho thấy Trung Quốc ngày càng tỏ ra tự tin hơn, có năng lực và ý chí chưa từng có trong việc thể hiện ảnh hưởng của mình tới thế giới. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên: Lịch sử cho thấy các cường quốc đang vươn lên thường phô trương sức mạnh và kiểm nghiệm sự ảnh hưởng của họ. Người châu Âu, châu Mỹ và các nước láng giềng cua Trung Quốc ở châu Á không nhất thiết phải lo sợ, song họ cần phải rất cẩn trọng.

Động thái muốn khẳng định của Trung Quốc được thúc đẩy bởi những thành công chưa từng thấy về kinh tế. Quy mô kinh tế của Trung Quốc đã tăng lên gấp đôi trong bảy năm qua và thu nhập bình quân đầu người cũng tăng gấp đôi trong sau năm vừa qua. Thành quả kinh tế đạt được khiến người Trung Quốc rất hài lòng và theo kết quả cuộc thăm dò do tổ chức Pew Global Attitudes tiến hành mới đây, 90% người Hoa hài lòng với hướng đi của Trung Quốc, vui mừng trước “thể trạng” kinh tế hiện nay và lạc quan về tương lai kinh tế của đất nước. Phần còn lại của thế giới cũng nhìn nhận Trung Quốc là cường quốc kinh tế đang nổi lên, với 50% người Đức, Nhật Bản, Pháp và Mỹ xếp Trung Quốc vào vị trí hàng đầu.

Có vẻ như Bắc Kinh đang ngày càng sẵn sàng dùng vị thế đi lên của họ để gây ảnh hưởng đối với các vấn đề về ngoại giao, anh ninh và kinh tế. Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm Trung Quốc hồi tháng 11/2009, sự xuất hiện khá quan trọng của ông trước công chúng tại Thượng Hải trong cuộc gặp gỡ với sinh viên ở phòng họp của tòa thị chính chỉ được phát trên truyền hình địa phương chứ không phải trên toàn quốc. Điều này không giống như cuộc gặp gỡ tương tự khi ông Bill Clinton có chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc với cương vị là tổng thống Mỹ. Thêm vào đó, các tin tức đưa về chuyến thăm đó cũng bị kiểm duyệt về nội dung, kể cả cuộc phỏng vấn của tạp chí “Southern Weekend” với tổng thống Obama. Tại cuộc họp cấp cao về biến đổi khí hậu ở Copenhaghen hồi tháng 12/2009, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã không có mặt để tham dự hội nghị đầu tiên với tổng thống Obama, chỉ cử một quan chức cấp thấp đến dự thay mặt.

Trên mặt trận chính trị, các quan chức Trung Quốc đã bắt đầu gia tăng các hoạt động khẳng định chủ quyền quốc gia. Lâu nay Bắc Kinh luôn coi Tây Tạng và Đài Loan là “các lợi ích quốc gia cốt lõi của họ và người nước ngoài cần tránh xa những “vấn đề nội bộ đó”. Giờ đây, Trung Quốc bắt đầu áp dụng thuật ngữ ngoại giao này đối với biển Đông, vùng biển rộng 1,2 triệu km2 và là nơi diễn ra ít nhất 1/3 giao thương bằng đường biển của thế giới. Trên 50% nguồn nhiên liệu nhập khẩu của bắc Á được chở qua vùng biển này. Động thái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đang đe dọa các lợi ích về đánh bắt cá tôm cũng như hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam, Philippine, Indonesia, Malaysia và vũng lãnh thổ Đài Loan. Nó cũng ảnh hưởng đến những lợi ích quá cảnh bằng đường biển của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cùng lúc Trung Quốc tái khẳng định chủ quyền về lãnh thổ đối với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ và củng cố lập trường đó bằng việc đưa binh sĩ đến đồn trú tại vùng biên giới đông bắc giáp Ấn Độ. Bắc Kinh cũng đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn ở Nam Á, cung cấp vũ khí cho chính phủ Sri Lanka dẹp yên cuộc nội chiến với lực lượng ly khai Những con hổ giải phóng Tamil. Trung Quốc đã mở rộng hoạt động hải quân ở Ấn Độ Dương, trong khi xây dựng nhiều cảng dân sự trong vùng trải rộng từ Mianma cho đến Pakistan. Họ tăng cường quan hệ về kinh tế với Mianma và Apganistan, thúc đẩy mối quan hệ chiến lược với Pakistan thông qua đề nghị giúp đỡ trong lĩnh vực hạt nhân dân sự, nhưng không đưa Ấn Độ vào cấu trúc ngoại giao mà Trung Quốc đang hướng tới để gây ảnh hưởng.

Các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ được Bắc Kinh giải thích nếu những nước này bắt đầu lo ngại về sự liên hệ giữa “các lợi ích quốc gia cốt lõi”, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, nhất là khi chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc ngày càng có chiều hướng gia tăng. Ngân sách dành cho quốc phòng hiện chiếm 4,3% GDP của Trung Quốc, cao hơn rất nhiều so với các nước láng giềng Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam hoặc vùng lãnh thổ Đài Loan.

Bắc Kinh đã và đang trở nên “hiếu chiến” trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, yêu cầu các công ty nước ngoài đăng ký bản quyền công nghệ tại Trung Quốc và áp dụng các tiêu chuẩn quy định của nước này nếu họ muốn bán sản phẩm tại thị trường Trung Quốc. Bắc Kinh đã khiếu kiện các công ty và nhà sản xuất phương Tây vi phạm các luật lệ quy định về bán hàng hóa tại thị trường nước này. Khi Trung Quốc phát đi tín hiệu rõ ràng rằng nguyên trạng quốc tế hiện nay là điều không thể chấp nhận một cách lâu dài đối với họ, châu Âu, Mỹ và phần còn lại của châu Á cần phải cảnh giác. Trung Quốc đang vươn lên và những cường quốc nào đang đi lên luôn có lịch sử muốn làm đảo lộn nguyên trạng thế giới.

TTX theo bản tiếng Anh “Dân tộc” ở Bangkok

Nguồn: TVN

Bình luận về bài viết này