THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

Thử bàn về sức mạnh của Trung Quốc (Phần 3)

Posted by Admin trên Tháng Bảy 20, 2010

Nguyễn Hải Hoành

Sự kiện đàn áp dân chủ "Thiên An Môn" 04/06/1989

Trong thời đại hạt nhân ngày nay chẳng nước lớn nào dại dột đánh nhau, bởi lẽ như thế là tự sát, là cùng chết. Trong chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô do ý thức hệ trái nghịch mà đối đầu cực kỳ quyết liệt, nhưng hai bên đều tránh xung đột quân sự, dù họ có thừa bom hạt nhân đến mức phải huỷ bớt đi. Vì vậy muốn thắng đối thủ thì phải ra sức tận dụng phát huy sức mạnh mềm, một loại sức mạnh vô hình có tác dụng lôi kéo người ta theo mình mà chẳng cần doạ dẫm hoặc lừa bịp dụ dỗ (một kiểu “diễn biến hoà bình”).

Phần I:    Đánh giá và xếp hạng sức mạnh quốc gia Trung Quốc
Phần II:   Các bình luận về xếp hạng sức mạnh quốc gia Trung Quốc
Phần III:  Sức mạnh mềm của Trung Quốc ra sao?
Phần IV:  Nho giáo liệu có thể tăng được sức mạnh mềm của Trung Quốc không?

Phần III:  Sức mạnh mềm của Trung Quốc ra sao?

Trong thời đại tin học, sức mạnh mềm ngày một trở nên quan trọng, có tác dụng hơn cả sức mạnh cứng, lực công phá ngầm rất lớn. Song tạo ra sức mạnh mềm là việc rất khó và lâu dài, liên quan đến văn hoá truyền thống, giá trị quan và tập quán dân tộc hình thành trong quá khứ. Với một nước có lịch sử lâu đời, các truyền thống ấy không dễ thay đổi.

Có thể coi sức mạnh mềm là lực hút của nền văn minh. Cho tới nay văn minh phương Đông vẫn học văn minh phương Tây là chính, quá trình này chưa đảo ngược được cho dù người ta luôn nói thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của TQ. Người Nhật khôn ngoan từ cuối thế kỷ XIX nêu khẩu hiệu “Thoát Á nhập Âu” là vì biết rõ văn minh phương Tây ưu việt hơn hẳn.

Khái niệm sức mạnh mềm được người TQ coi trọng hơn các nước khác, có lẽ vì họ thấy đây là lĩnh vực còn yếu. Xét theo 4 tiêu chuẩn cường quốc do Brzezinski nêu ra trong cuốn Bàn Cờ Lớn (The Grand Chessboard, 1999) – là mạnh về kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật, và văn hoá có sức hấp dẫn, – thì họ chưa đạt tiêu chuẩn sau cùng. Sức cạnh tranh văn hoá TQ hoàn toàn không tương xứng với vị thế nước lớn kinh tế hiện nay và nền văn minh Trung Hoa 5000 năm lịch sử.

Nhân Dân Nhật báo TQ mở riêng một trang mạng Diễn đàn sức mạnh mềm (rsl.people.com.cn); chưa kể nhiều trang mạng cùng chủ đề do các đơn vị khác chủ trì. Cuộc thảo luận về sức mạnh mềm đang thu hút nhiều người Trung Quốc tham gia.

Phó Giám đốc Học viện Văn hoá Trung Hoa Diệp Tiểu Văn viết: Bà Thatcher từng nói “TQ sẽ không trở thành nước lớn trên thế giới, họ xuất khẩu ti-vi chứ chưa xuất khẩu quan niệm, tư tưởng” [trích từ sách Statecraft: Strategies for a Changing World], câu này muốn nhắc nhở nếu TQ không xuất khẩu văn hoá thì cho dù đã đứng đầu toàn cầu về xuất khẩu hàng hoá nhưng TQ sẽ vẫn là anh nông dân bán hàng rong, chưa phải đại gia thương mại. Văn hoá TQ cần đi ra thế giới với bộ mặt hợp tác, nhấn mạnh hoà hợp, hoà bình, lấy con người làm gốc, nhân ái, khoan dung.

Đúng vậy, xuất khẩu văn hoá của TQ hiện nay chỉ bằng 1/14 nhập khẩu, đấy là chưa kể loại sản phẩm văn hoá phi vật thể (như nghe đài, xem truyền hình).

Các học giả TQ than phiền: sau Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, nước này chưa  xuất hiện nhà tư tưởng hoặc triết gia nào có ảnh hưởng toàn cầu.

Trong khi đó các học thuyết mới mọc lên như nấm ở phương Tây, như thuyết Xung đột văn minh (của Huntington), thuyết Sức mạnh mềm (của Nye) v.v… Sinh viên, học giả kinh tế khắp thế giới đều đọc sách của Adam Smith, Paul Samuelson v.v… Ngược lại, TQ chưa xây dựng được học thuyết kinh tế riêng của mình tuy kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Tương tự, có nhiều sinh viên nhất nhưng chưa trường ĐH nào của TQ có tên trong 50 trường ĐH hàng đầu thế giới. Không nước nào có lượng tác phẩm văn học xuất bản hàng năm nhiều như TQ song chưa tác phẩm văn học TQ nào có ảnh hưởng toàn cầu (trong khi một số nhà văn TQ chạy ra nước ngoài lại được tặng nhiều giải lớn). Chưa một công dân quốc tịch Trung Quốc nào được tặng giải Nobel khoa học hoặc văn học, tuy đã có một số người Hoa quốc tịch nước ngoài nhận vinh dự này; giải Fields (còn gọi là giải Nobel toán học) cũng vậy.

TQ cho rằng tiếng nói quốc tế của họ còn yếu, vì hiện nay 95% thị trường truyền thông thế giới là do 10 tập đoàn truyền thông phương Tây kiểm soát.

TQ chiếm 25 trong số 500 công ty có vốn lớn nhất toàn cầu năm 2009 [danh sách do Financial Times lập; Mỹ có 181, Nhật 49, Anh 32], đặc biệt chiếm vị trí thứ 2 và thứ 4. Thế nhưng rất ít thương hiệu TQ nổi tiếng thế giới. Hàng TQ nhiều, rẻ, đẹp nhưng hàng xấu, hàng nhái, thậm chí hàng có hại sức khoẻ (như sữa bẩn melamin) đã làm mất thanh danh của họ. Ở châu Á hàng TQ khó cạnh tranh với hàng Nhật hoặc Hàn Quốc; sang Âu, Mỹ lại càng hay bị chê.

Bởi vậy tạo dựng uy tín cho các doanh nghiệp và thương hiệu cho hàng hoá TQ trở thành việc bức thiết và lâu dài. Đây là một lĩnh vực sức mạnh mềm rất quan trọng, vì hàng hoá đi vào từng gia đình nước ngoài, hàng tốt mang lại thiện cảm với quốc gia sản xuất thứ hàng đó.

Trong cuốn Giấc mơ Trung Quốc, tác giả Lưu Minh Phúc viện dẫn quan điểm “quốc gia hạng nhất xuất khẩu giá trị quan và văn hoá; quốc gia hạng hai xuất khẩu công nghệ và quy tắc; quốc gia hạng ba xuất khẩu sản phẩm và sức lao động” và nhận xét TQ hiện nay chỉ mới xuất khẩu hàng hoá và sức lao động là chính. Tác giả hy vọng sẽ có ngày sản phẩm văn hoá TQ sẽ đi vào từng gia đình trên khắp thế giới như đồ chơi trẻ em và quần áo “made in China” hiện nay.

Một nhà báo TQ viết: thực hiện giấc mơ xuất khẩu văn hoá và giá trị còn khó hơn giấc mơ kinh tế. Trước hết, chữ Hán khó học là một cản trở truyền bá văn hoá, vì thế nền văn minh Trung Hoa có bề dầy 5000 năm cho tới nay vẫn bị coi là thần bí. Thời Ngũ tứ (1919) giới trẻ TQ phê phán chữ Hán khó học, chỉ một số tinh anh mới nắm được, hình thành nạn chuyên chế học thuật. Có lẽ vì thế mà thế giới chưa biết gì mấy về các thành tựu khoa học nhân văn xã hội, khoa học tự nhiên và kỹ thuật cũng như văn học nghệ thuật TQ. Trong Diễn đàn Toàn cầu tương lai Trung Quốc (Future China Global Forum) họp ngày 12-13/7/2010 tại Singapore, ông Lý Quang Diệu nói người Trung Quốc nên nắm được tiếng Anh (toàn dân Singapore, trong đó 80% là người Hoa đều nắm được tiếng Anh).

Văn học TQ chưa có ảnh hưởng quốc tế lớn. Ba tác phẩm cổ điển Tam Quốc Chí, Tây Du Ký, Thuỷ Hử tuy được người TQ rất thích, nhưng ra thế giới lại không thế, thậm chí bị chê là thiếu tính nhân văn. Văn học cận đại và hiện đại cũng không hợp “khẩu vị” phương Tây. Nhà Hán học người Đức Kubin còn gọi văn học hiện đại TQ là “rác rưởi”. Nghệ thuật điện ảnh dù đầu tư nhiều nhưng chưa mấy phim đoạt giải quốc tế lớn.

Trong thập niên vừa qua TQ đặc biệt chú trọng tăng cường sức mạnh mềm. Theo đề nghị của các giới chính trị, kinh tế, học thuật, họ đã thành lập Uỷ ban Xây dựng Sức mạnh mềm Trung Quốc (tiếng Anh viết tắt CCOSP). Uỷ ban này nhận được sự ủng hộ của Viện Khoa học quyết sách TQ, Hội Doanh nghiệp TQ, Uỷ ban Chuyên nghiệp chiến lược doanh nghiệp và Hội nghiên cứu chiến lược học phát triển TQ.

Ban lãnh đạo CCOSP có Chủ tịch là ông Quản Ích Hân, cùng 3 phó Chủ tịch và 1 tổng thư ký. Bên cạnh còn có một Ban Chuyên gia gồm 16 viện sĩ, giáo sư, doanh nhân …CCOSP có nhiệm vụ chung là nâng cao sức mạnh mềm quốc gia, chủ yếu là sức mạnh mềm của các doanh nghiệp và thành phố; nhiệm vụ cụ thể là triển khai việc nghiên cứu, tư vấn, đào tạo, thúc đẩy sức mạnh mềm, tăng cường xây dựng và nâng cao sức mạnh mềm của các đơn vị này.

Sức mạnh mềm của doanh nghiệp và đô thị được đặc biệt chú trọng. Các đô thị đều lập quy hoạch thực hiện 10 chỉ tiêu sức mạnh mềm: sức kêu gọi văn hoá, sức ngưng tụ, sức truyền bá hình ảnh, năng lực làm việc của chính quyền, khả năng hoà hợp xã hội, phát triển giáo dục, sức thu hút thương mại, sức sáng tạo KHKT, sức ảnh hưởng khu vực, năng lực thúc đẩy tin học. Các đô thị lớn phấn đấu trở thành đô thị trung tâm quốc gia. Năm 2009 TQ được xếp thứ 74 trong bảng xếp hạng quốc gia xét theo chỉ số hoà bình thế giới, cao hơn Mỹ 9 bậc.

Một loạt báo, tạp chí tiếng nước ngoài ra đời. Tăng phát thanh, truyền hình phát ra hải ngoại; như phát chương trình truyền hình 24 giờ/ngày phủ sóng 22 quốc gia A-rập với 300 triệu dân.

TQ đã tranh thủ các lễ hội để phô trương hình ảnh nước mình, thí dụ lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008, lễ Quốc khánh 60 năm … được tổ chức cực kỳ hoành tráng, quy mô vượt xa tất cả các nước khác. Nhiều tỷ đô-la được chi vào thiết kế xây dựng các công trình kiến trúc đồ sộ cỡ nhất thế giới như nhà hát quốc gia, sân vận động, trụ sở đài truyền hình trung ương …

Tháng 7/2009 chính phủ TQ đã ban hành Quy hoạch chấn hưng ngành văn hoá, nhằm tạo ra sức cạnh tranh văn hoá trên phạm vi toàn cầu.

Chính phủ đã mạnh tay đầu tư kinh phí thành lập hàng trăm Học viện Khổng Tử (HVKT) trên khắp 5 châu, coi đây là các cơ sở xuất khẩu văn hoá và giá trị quan của TQ. HVKT là một tổ chức công ích xã hội không kiếm lời, nhằm triển khai tại nước ngoài việc dạy Hán ngữ, đào tạo giáo viên dạy Hán ngữ, giới thiệu văn hoá Trung Hoa và trao đổi văn hoá; trong đó việc đầu tiên là cung cấp cho người học hoặc yêu thích học Hán ngữ trên khắp thế giới một kênh giảng dạy Hán ngữ chính quy nhất, bộ giáo trình Hán ngữ chuẩn, có uy tín nhất.

Chủ tịch Tổng bộ HVKT Lưu Diên Đông cho biết: kể từ HVKT đầu tiên được lập năm 2004 (tại Hàn Quốc) cho tới nay TQ đã lập được 282 học viện tại 88 nước, chưa kể 272 “Lớp Khổng Tử” (chủ yếu tại các trường trung học) với 230 nghìn học sinh. Hiện nay 50 nước đang xin lập HVKT. TQ cũng dự định lập tại Việt Nam một HVKT. Riêng ở Mỹ hiện đã có 80 HVKT.

Việc dạy Hán ngữ được mọi người hoan nghênh, vì họ có dịp được miễn phí học thứ ngôn ngữ của nền văn minh lâu đời nhất nhì thế giới với 1,5 tỷ dân. Nhưng việc trao đổi truyền bá văn hoá TQ thì không đơn giản như vậy.

Lưu Toàn Sinh Giám đốc HVKT Đại học Maryland (HVKT đầu tiên ở Mỹ) cho biết: “Một số người Mỹ không hoan nghênh HVKT, họ cho rằng đây là dịp TQ trỗi dậy thừa cơ tiến hành cuộc xâm lược văn hoá với nước Mỹ; họ lo ngại hai nền văn minh TQ-Mỹ có thể va chạm nhau. Nhưng nhận thức này là sự hiểu lầm văn hoá TQ.”

Theo ông Lưu, thực chất tinh thần hoà hợp, hoà bình mà nền văn hoá TQ theo đuổi mới là nguyên nhân tầng sâu hấp dẫn dân Mỹ học Hán ngữ. “Hoà nhập văn hoá thắng xung đột văn hoá” – ông nói, “Nhà phát minh bom khinh khí từng nói phát minh lớn nhất của thế kỷ XXI nên là thực hiện chung sống hoà hợp giữa con người với con người, mà tư tưởng Hoà vi quý, Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (điều gì mình không muốn thì chớ đẹm lại cho người khác) của Khổng Tử từ lâu đã trả lời câu hỏi ấy. Rất nhiều tư tưởng của Khổng Tử cho tới nay vẫn có giá trị mạnh mẽ.”

Dĩ nhiên nói hay mà làm dở thì tác hại hơn là không nói. Cuộc điều tra Cái nhìn về TQ mới đây tại 14 quốc gia cho thấy thiện cảm với TQ từ mức 49% năm 2005 giảm xuống còn 34% năm 2009-2010 (theo BBC 20/4/2010). Thiện cảm của dân Đài Loan đối với Nhật cũng nhiều hơn với TQ.

Học thuyết của Khổng Tử sau gần một thế kỷ bị phê phán, vùi giập, từ thập niên 90 trở đi lại được người TQ từng bước phục hồi và cố gắng quảng bá ra thế giới như một hệ tư tưởng, hệ giá trị quan mang đặc sắc Trung Hoa. Nỗ lực ấy mang lại kết quả ra sao?■

Theo Vit

Bình luận về bài viết này